Sân khấu thủ đô mở cửa đón khán giả: Những khao khát nhả tơ
VHO- Bằng nhiều cách khác nhau, mỗi nhà hát tại Thủ đô đều đang cố gắng, nỗ lực hết mình để sân khấu sớm sáng đèn phục vụ khán giả trong nước và du khách quốc tế, đặc biệt khi du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa.
Tiết mục “Hầu đồng” sẽ tiếp tục được trình diễn trong các chương trình thường kỳ của chiếu chèo Nhà hát Chèo Việt Nam
Hà Nội mở lại không gian đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm là cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp sôi nổi hoạt động với phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Tới dự một chương trình biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Tuồng Việt Nam trên phố đi bộ mới cảm nhận đầy đủ sự khao khát được cống hiến của người nghệ sĩ. Đáng mừng hơn, đối tượng tới xem Tuồng truyền thống rất đa dạng, từ người lớn tuổi cho tới học sinh, sinh viên và cả trẻ em; không ít người ngồi xem hết mấy tiếng đồng hồ mới đứng lên ra về. Trưởng đoàn thể nghiệm Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSƯT Lộc Huyền chia sẻ: “Hai đoàn của Nhà hát thay nhau diễn được 4 buổi ở điểm này rồi. Ban giám đốc và phụ trách các đơn vị đều quán triệt các anh chị em nghệ sĩ phải tập luyện thật tốt, kỹ lưỡng để tạo ấn tượng đẹp đối với người xem. Đã lâu không biểu diễn, giờ được mọi người nồng nhiệt đón nhận, nghệ sĩ chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi và ai cũng nỗ lực với vai diễn để thu hút khán giả đến xem đông hơn”.
Chương trình biểu diễn trên phố đi bộ của Nhà hát Tuồng Việt Nam thu hút rất đông khán giả tới thưởng thức
Show Rối nước Bông sen vào 16h thứ 7 hằng tuần tại 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội đã chính thức khởi động lại. Chương trình là sự kết hợp giữa Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam và Nhà hát Múa rối Việt Nam có giá vé cực kỳ ưu đãi (100.000 đồng/1vé) và mua 5 vé chỉ tính tiền 4. Sự trở lại của du khách nước ngoài đánh dấu một mùa du lịch mới đang được tăng tốc mở cửa trên địa bàn Thủ đô. Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam, NSƯT Quỳnh Trang chia sẻ: “Với tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trong trạng thái bình thường mới, Nhà hát chúng tôi đang tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống sân khấu, trang thiết bị và đưa ra những kịch mục hấp dẫn, kết hợp giữa nghệ thuật múa rối nước và ca múa nhạc đương đại với màu sắc mới, vui nhộn nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống để nâng cao chất lượng phục vụ để trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút khán giả, du khách nhằm phát triển du lịch”.
Sân khấu Rối nước Bông Sen của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam thu hút nhiều khách quốc tế
Trên Fanpage của các nhà hát cũng đang tưng bừng quảng cáo truyền thông về các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chiếu chèo của Nhà hát Chèo Việt Nam tại 71 Kim Mã, Hà Nội sẽ khởi động suất diễn thường kỳ vào ngày 1.4 với những trích đoạn kinh điển như Thị Màu lên chùa, Dẹp đám vỡ nước, Xẩm Thập ân, Thầy đồ dạy học, Hầu đồng… Chương trình quy tụ các đào, kép tài năng đã giành nhiều huy chương và giải thưởng ở các cuộc thi nghệ thuật chèo.
Tương tự, trailer vở kịch Ông không phải là bố tôi của cố tác giả Lưu Quang Vũ không chỉ được giới thiệu trên trang của Nhà hát Tuổi Trẻ mà còn được nhiều nghệ sĩ chia sẻ trên Fanpage cá nhân. Vở kịch sẽ diễn vào tối 2.4 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội. Ông không phải là bố tôi được tác giả viết năm 1988, là một trong những tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp của nhà viết kịch tài hoa, nay được ra mắt trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ với một bản diễn hoàn toàn mới của đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến. Trước đó, Trại hoa vàng do NSƯT Ánh Tuyết dàn dựng cũng đã được trình diễn trong khuôn khổ dự án nhạc kịch hướng nghiệp “chọn nghề trong muôn nghề” do Thành đoàn Hà Nội cùng Nhà hát Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.
Nhạc kịch Trại hoa vàng của Nhà hát Tuổi Trẻ thu hút nhiều khán giả tới xem
Sau chuyến lưu diễn thắng lợi đầu tiên vào cuối tháng 3.2022 với hai vở Bệnh sĩ và Nghêu Sò Ốc Hến, Nhà hát Kịch Việt Nam cũng đang chuẩn bị ra mắt vở Nhân thế (tác giả NGƯT.TS Lê Mạnh Hùng, đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu). Cùng với đó, nhiều đơn vị như Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam… cũng đang gấp rút chuẩn bị hoàn thành công diễn một loạt vở diễn mới và tập lại các vở đã dàn dựng trong năm 2021 nhưng chưa có dịp giới thiệu rộng rãi với khán giả. Tất cả đều đang hoàn thiện hoặc đã sẵn sàng đỏ đèn phục vụ khán giả.
Các tác phẩm nghệ thuật có đời sống bằng những đêm diễn là minh chứng cho sự tồn tại và phát triển tạo dựng nên thương hiệu của từng đơn vị, đó là lý do mà dẫu con đường trước mắt vẫn còn vô vàn khó khăn nhưng những người làm nghệ thuật vẫn không hề nản chí. Họ vẫn như con tằm rút ruột nhả tơ, cần mẫn, kiên trì thực hiện những kế hoạch theo dự định để đưa khán giả trở lại thói quen thưởng thức nghệ thuật trong “trạng thái bình thường mới”.
THÚY HIỀN